Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2010

Quan chức, lãnh đạo ta thích xuất ngoại...

Khi công chức thành tín đồ xuất ngoại...

Chuyện công du nước ngoài thực ra cũng chỉ là một thứ hàng được ưa chuộng trong hàng ngàn thứ gắn với tâm lí sính ngoại, quên nội dường như đã ăn sâu vào rất nhiều nếp nghĩ, đời sống trong xã hội Việt Nam.

Đến lãnh đạo cũng phải... hoảng
Trong khi tại nhiều nước, ngay cả các nguyên thủ quốc gia cũng hạn chế tối đa công du nước ngoài để tiết kiệm ngân sách trong khó khăn, hoặc lo xử lí vấn đề cấp bách, thiết thực trong nước (như trường hợp Tổng thống Mỹ Barack Obama hay Tổng thống Philippines, Benigno Aquino), thì ở ta, chuyện công du nước ngoài của các quan chức, công chức đã trở nên rầm rộ đến mức trở thành một thứ "mốt", khiến lãnh đạo các tỉnh thành cũng phát hoảng.

Mới đây, chỉ trong vòng 10 ngày, lãnh đạo Hà Nội đã hai lần lên tiếng lưu ý, nhắc nhở về việc các cấp, ngành, nhất là quận huyện liên tục có các tờ trình, đề xuất đi công tác nước ngoài.
Hết công văn của Chủ tịch UBND TP  hôm 26/11 "hãm phanh" cấp dưới, những công bộc của dân ra nước ngoài lại đến Bí thư Thành uỷ trực tiếp nhắc việc các quận huyện tổ chức đi nước ngoài rầm rộ, sôi nổi, gần như là phong trào ngay tại phiên khai mạc HĐND thành phố ngày 7/12. Lãnh đạo Hà Nội yêu cầu: "Chỉ xem xét, giải quyết các trường hợp đã có trong kế hoạch, có bố trí ngân sách từ đầu năm hoặc theo nhiệm vụ cấp bách hay yêu cầu của trung ương, thành phố".
Trước đó, hồi tháng 10, UBND TP. Hà Nội đã bác tờ trình xin đi học tập, trao đổi kinh nghiệm của Ban Thi đua Khen thưởng, Sở Nội vụ, đồng thời, gửi văn bản cho các cơ quan nhắc nhở về tình trạng tương tự, khi "tổ chức nhiều đoàn đi công tác nước ngoài, với đông người tham gia, không có chương trình kế hoạch từ đầu năm, nội dung không thiết thực hiệu quả, gây lãng phí về thời gian và kinh phí".
Hà Nội không phải là địa phương duy nhất phải "tuýt còi" những "tín đồ xuất ngoại" - công chức và quan chức.
5 tháng trước, TP.HCM cũng chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành TP; chủ tịch UBND các quận, huyện; chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc các tổng công ty, công ty Nhà nước trực thuộc hạn chế tối đa việc đi nước ngoài, dành thời gian để tập trung hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Việc xuất ngoại chỉ ưu tiên khi thật sự bức bách, phục vụ trực tiếp cho các hoạt động xúc tiến thương mại và  đầu tư nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Chưa biết có bao nhiêu những chuyến xuất ngoại bị tuýt còi phải dừng lại, nhưng chỉ riêng việc các lãnh đạo phải nhiều lần lên tiếng đủ thấy thực trạng đáng báo động của tình trạng này.
Người dân băn khoăn nhiều nhẽ: bao nhiêu trong những chuyến đi được trình duyệt kia là nhiệm vụ "bức bách", và bức bách tới mức nào? Và có phải tất cả những trường hợp xuất ngoại "đã có kế hoạch từ trước" đã là cần thiết?
Còn nhớ, hồi tháng 9, trong lúc cơ quan công an đang điều tra vụ in ấn và phát hành tờ rơi tuyên truyền ATGT có nội dung khiêu dâm thì vị Giám đốc Sở GT-VT Kiên Giang, Nguyễn Văn Chánh, người trực tiếp kí hợp đồng in ấn tờ rơi lại đi nước ngoài, vì "đã có lịch từ trước".
Không biết ông học được gì từ chuyến xuất ngoại đã được lên lịch từ trước, nhưng dư luận có quyền đặt câu hỏi, trách nhiệm của ông trên tư cách "công bộc của dân" đến đâu, lúc người ta cần đến ông?

Thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào
Thực ra chuyện xuất ngoại từ lâu đã thành "phong trào" ở các cơ quan công quyền Việt Nam. Người người đi nước ngoài, nhà nhà đi nước ngoài. Nào thì tham quan, trao đổi, nào thì học tập, chia sẻ kinh nghiệm, nào thì khảo sát... Như Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu thực trạng: "thấy huyện này đề nghị lên, huyện kia cũng đề xuất đi". Tâm lý a dua, "thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào" chẳng có gì để bàn thêm.
Gần 10 năm, khi đi nước ngoài còn là chuyện hiếm, là đặc quyền mà không phải ngành nào, người nào cũng được hưởng, thì cũng đã có cảnh, chỉ trong một ngày, một địa phương của Trung Quốc tiếp tới 10 đoàn Việt Nam mà đoàn nào cũng đặt những câu hỏi như nhau (theo lời của TS Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm UB đối ngoại của Quốc hội).
Ngày nay, khi kinh tế khởi sắc, nước và dân đều giàu lên, xuất ngoại chỉ còn là chuyện cơm bữa. Đi nước ngoài bây giờ với nhiều người chỉ như việc chạy ra cái chợ gần nhà.
Ảnh minh hoạ.
Chẳng riêng gì quan chức, các lãnh đạo cấp trường của Sóc Trăng, các vị hiệu trưởng và hiệu phó, cũng được Sở GD-ĐT chăm lo "kiếm suất" để anh em được xuất ngoại "đi chơi cho biết". Các thầy cô sẽ "dùng ngân sách của trường đóng cho Sở 13 triệu đồng" để "được đi nước ngoài ở Malaysia, Singapore, dưới danh nghĩa là tham quan, học tập".
Các nhà văn cũng không chịu kém cạnh. Tại Đại hội Nhà văn các tỉnh phía Bắc, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã khẳng định: "Tới đây, các nhà văn chúng ta sẽ đi nước ngoài nhiều hơn, mỗi người sẽ được trang bị một laptop". Và để chuẩn bị cho viễn cảnh tốt đẹp ấy, mỗi nhà văn dự đại hội được tặng một túi đựng laptop!
Xuất ngoại bằng tiền túi là quyền cá nhân mỗi người, nhưng xuất ngoại mang danh việc công, tiêu tiền công lại là chuyện khác.
Các đoàn đi nước ngoài để học tập kinh nghiệm là chủ yếu. Ông cha ta có câu "đi một ngày đàng, học một sàng khôn", mà "sàng khôn" thì không thể đo đếm được. Học được bao nhiêu, kết quả thế nào, tính sau, chỉ biết, "thà giết nhầm còn hơn bỏ sót". Có cơ hội đi nước ngoài, lại được "chăm sóc tận răng", ai nỡ từ chối? Thôi thì...
Bao nhiêu thời gian của chuyến xuất ngoại dành học tập, nghiên cứu... thật, bao nhiêu thời gian để mua sắm, vui chơi... thì chỉ người trong cuộc mới biết.
Cứ nhìn ngay trong tờ trình xuất ngoại đã bị bác của Ban Thi đua Khen thưởng, Sở Nội vụ Hà Nội thì thấy, kèm theo nó là các chương trình du lịch Phú Quốc; chương trình đi du lịch Thượng Hải - Tô Châu - Hàng Châu - Bắc Kinh, Trung Quốc.
Thế nên, không có gì ngạc nhiên khi có lần người viết đã chứng kiến cảnh khu bày bán Vitamin, thuốc bổ của một siêu thị ở Washington DC sạch trơn vì "vừa có đoàn Việt Nam ghé qua", anh nhân viên người Mỹ gốc Việt cho hay.
Lần khác, một đồng nghiệp ở Seoul than, cả tháng, ngày nào anh cũng mướt mồ hôi vì phải dẫn hết đoàn này đến đoàn khác từ Việt Nam sang thăm đi mua sắm nhân sâm, quần áo... xứ kim chi.

Khoai vườn người ngon hơn khoai vườn mình
Gạt sang một bên sự thật - giả trong việc học tập kinh nghiệm nước ngoài, chỉ riêng việc có học được gì và như thế nào của các "tín đồ xuất ngoại" dán mác việc công cũng là chuyện đáng bàn.
Tổ chức một chuyến đi nước ngoài, tốn kém không ít tiền của của Nhà nước, đương nhiên phải thu được gì để báo cáo kết quả. Đoàn nào đi về mà chẳng báo cáo là thành công rực rỡ, mang lại hiệu quả tốt đẹp, nhưng tốt đẹp cụ thể như thế nào thì không thấy chỉ rõ. Dù sao thì, viết báo cáo xong rồi cất đấy, mấy ai lật giở lại làm gì. Nếu cần, lại tổ chức chuyến công du khác, để học tập, sao phải tốn công sức lưu trữ.
Một rừng ghế trống. Ảnh minh hoạ: Tuổi Trẻ.
Thế nên, cùng một địa phương của bạn, có năm đón tiếp cả trăm đoàn từ Việt Nam sang, mà đoàn nào biết đoàn đấy. Đoàn sau đi với mục đích tìm cái mới nhưng rồi cũng lặp lại những câu hỏi cũ. Bạn nồng nhiệt đón tiếp, vui vẻ chia sẻ kinh nghiệm, hào hứng dẫn đi thăm thú, mua sắm để ta mở rộng tầm mắt và cả mở rộng hầu bao (kích cầu cho nền kinh tế bạn), nhưng trong bụng, sao tránh cảnh cười thầm.
Hơn nữa, "những kinh nghiệm không phổ biến được. Những thông tin của các đoàn đi trước không được lưu trữ ở một nơi mà khi cần có thể tra cứu được. Rốt cục, những cố gắng của người đi trước gần như vô ích đối với đoàn đi sau"...TS Nguyễn Sĩ Dũng từng nêu.
Lo xuất ngoại để học, thế mà chính những "kho" kinh nghiệm quý giá tại chỗ - những đoàn khách đến thăm Việt Nam lại không được khai thác, tận dụng.
Bao nhiêu đoàn sang, với những học giả tên tuổi, nhà quản lý có tiếng, bao nhiêu hội nghị, hội thảo được tổ chức ngay tại Việt Nam, thế nhưng, chỉ màn chào mừng, giới thiệu với sự có mặt của lãnh đạo, thì phòng họp đông nghìn nghịt. Bài phát biểu của lãnh đạo vừa xong, những tràng pháo tay chào mừng vừa dứt, các hàng ghế cũng trở nên vắng teo.
Hơn nữa, chính những kinh nghiệm thành công ở các tỉnh, thành, địa phương ngay tại Việt Nam lại chẳng mấy khi được để ý lưu tâm. Có lẽ, bởi "bụt chùa nhà không thiêng"!
Thế nên mới có cảnh, vẫn là thông điệp được các học giả, chuyên gia Việt Nam rà rã nói từ cả chục năm, không có cách gì chui lọt lỗ tai người quản lý, thì nay, chỉ một câu nói của vị học giả uy tín nước ngoài, lập tức vang vọng, được các vị trích dẫn hết cuộc họp này tới cuộc họp khác, như khám phá điều gì mới mẻ lắm.
Thực ra, chuyện công du nước ngoài cũng chỉ là một thứ hàng được ưa chuộng trong hàng ngàn thứ gắn với tâm lí sính ngoại, quên nội dường như đã ăn sâu vào rất nhiều nếp nghĩ, đời sống trong xã hội Việt Nam.
Thì đấy, trong khi các tour du lịch trong nước vắng khách thì các tour du lịch ra nước ngoài, nhất là ở khu vực luôn được ưa chuộng. Trong khi hàng hóa Việt không có chỗ đứng trên thị trường thì 70% người Việt Nam ưa chuộng thương hiệu nước ngoài, khiến hàng Việt nhiều khi tự gắn tên ngoại để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Còn theo thống kê từ Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 30.000 người ra nước ngoài chữa bệnh, tiêu tốn khoảng 1 tỷ USD, trong khi có nhiều công nghệ chữa bệnh của Việt Nam được đánh giá hiện đại, tiên tiến hơn khu vực.
Người dân đành tìm cách sống chung với tâm lý chuộng ngoại, miễn là các công chức, quan chức đừng chuộng ngoại, đóng vai các "tín đồ xuất ngoại" và cả "tín đồ mua sắm" bằng cách tiêu tiền thuế của dân, mà không làm trọn việc dân giao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét