Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2010

Bỏ họp hay không bỏ họp?

Dự lễ khởi công: "nghề phụ" hấp dẫn của quan chức

Việc bỏ họp hay không bỏ họp, ở khía cạnh nào đó, lại cho thấy người dân đứng ở đâu trong những ưu tiên của người lãnh đạo; và đó cũng chỉ là một trong vô số lựa chọn mà những người đại biểu cho dân phải đưa ra.

Nặng nhọc sự họp hành!
Cái sự họp hành từ xứ ta đến xứ người vốn dĩ là một việc nặng nhọc. Chẳng vậy mà mới đây người ta phải giật mình khi biết số tiền ngất ngưởng mà các ông "nghị gật" Iraq được trả cho sự nghiệp chính trị gia nhàn nhã của mình. Ước tính tổng thu nhập hàng tháng của các ông lên tới 22.500 đôla, và công việc duy nhất trong năm của "nghị gật" là họp trong 20 phút. Mặc dù tại cuộc họp đó, do tình hình phân rẽ sâu sắc trong nước, chẳng hề có luật nào được đem ra tranh cãi, bàn luận.
Còn ở xứ ta, mới đây, đích thân Bí thư Thành uỷ Hà Nội, ông Phạm Quang Nghị đã phải ra văn bản nhắc nhở, khiển trách và yêu cầu Chủ tịch UBND các quận huyện cùng giám đốc, thủ trưởng các ban ngành thuộc cấp phải bố trí thời gian tham dự đầy đủ các phiên họp, đúng giờ và dự hết thời gian, không được bỏ về giữa chừng. Văn bản này được đưa ra nhằm chấn chỉnh tình trạng nhiều cán bộ quan chức bỏ bê và xao nhãng chuyện họp.
Ai đã từng đi dự họp nhiều, hẳn sẽ không ngạc nhiên trước việc phải "văn bản hóa" lời nhắc nhở cho một chuyện tưởng như đương nhiên là vậy. Người đi họp đến trễ về sớm, làm việc riêng, đọc báo, dùng điện thoại di động, thậm chí ngủ trong giờ họp... vốn đã phần nào tạo nên "phong cách họp" của xứ ta. Nhiều người sau khi đi họp về có lẽ cũng chẳng nắm rõ cuộc họp bàn những cái gì và kết quả đến đâu.
Họp hành liên miên, người tham dự thì uể oải, người diễn thuyết thì câu giờ lê thê, dẫn đến hệ quả là nhiều cuộc họp sau giờ giải lao, số người ra về đến hơn nửa. Vì thế sinh ra vô số "mẹo" giữ chân các thành viên tham dự: điểm danh cuối giờ, chỉ phát quà và phong bì sau khi cuộc họp đã kết thúc, thậm chí đóng cửa cho đến hết cuộc họp...
Sự họp vất vả là vậy (chẳng phải từng có cuốn sách lấy tiêu đề Chết vì họp hành - Death by meeting - hay sao), nên có khi cũng cần linh hoạt đổi không khí để cuộc họp thêm phần hấp dẫn. Một trong những người dũng cảm tiên phong áp dụng phương pháp này chính là tỉnh Bình Phước.
Theo tin của báo Sài Gòn Tiếp thị, ngày 7/12/2010, các đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Bình Phước tạm ngưng buổi họp để đi dự lễ khởi công một dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ. Việc ngưng họp nửa chừng đã được các đại biểu HĐND tỉnh đồng thuận thông qua vào sáng 06/12.
Ông Nguyễn Tấn Hưng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: website HĐND Bình Phước.
Tại một xứ sở mà đường sá, giao thông vốn là niềm kinh ngạc đến kinh hoàng với nhiều du khách nước ngoài, và thỉnh thoảng, báo chí lại xôn xao đưa tin về các hố tử thần, hay các hố ga, ổ voi... thì lễ khởi công cả một tuyến đường hơn 32 km, tốc độ 80km/h, rộng 24m quả thực là dịp vui lớn. Vậy nên, dù đang bận rộn, họp hành, các đại biểu cũng tạm gác qua một bên những vấn đề đại sự để tưng bừng tham dự lễ khởi công.
So với các biện pháp mang tính hành chính, cưỡng chế đã được áp dụng để giữ chân người dự họp, có thể đánh giá đây là một phát kiến mới mẻ, sáng tạo. Còn gì hơn giữa những phút họp hành căng thẳng, bàn luận rất nhiều vấn đề "sát sườn" đối với quyền lợi, cuộc sống của hàng triệu người, các đại biểu lại có dịp "lăn lộn" vào thực tế sôi động.
Ngẫm ra, biện pháp này nếu được đưa vào áp dụng sâu rộng, sẽ còn mang lại rất nhiều lợi ích tiềm năng.
Hiện nay trong giới showbiz Việt đang là thời kỳ nở rộ của "nghề" dự event (sự kiện). Bên cạnh thù lao từ nghề chính, thì "nghề" phụ này đem lại những khoản thu nhập rất hấp dẫn. Không ít chân dài sau khi có tiếng trong nghề chính, nếu chăm chỉ tham dự các lễ khai trương cửa hàng, ra mắt sản phẩm mới..., hàng tháng có thể bổ sung cho ví tiền hàng chục tờ 100 đô.
Vì thế, nếu điển hình dự lễ khởi công trên được nhân rộng, biết đâu tới một ngày hoạt động này cũng sẽ ngày càng phát triển, hình thành một "nghề" phụ" đầy triển vọng: nghề dự lễ khởi công, khánh thành. Từ đó, những việc như đến tham dự, nâng li chúc mừng, chụp ảnh, dự tiệc, nhận quà hậu tạ của chủ nhà sẽ dần dần được chuyên nghiệp hóa mang tính hệ thống. Và những người lo đong đếm đồng vốn ngân sách nhà nước eo hẹp sẽ thở phào vì trút được áp lực do bài tính làm sao nâng cho được mức lương còm cõi không đủ sống của công chức, quan chức.  Xét từ khía cạnh này, đây rõ ràng là một hành động đột phá cần được cổ vũ.
Bỏ họp hay không bỏ họp - đó là vấn đề
Dù cùng họp hành vất vả, nhưng ở xứ ta có cái khác với xứ Iraq. Các đại biểu của ta là những người do dân bầu, đại diện cho tiếng nói của dân để bàn thảo, xử lý các công việc của địa phương và cả nước.
Sự đồng thuận của các đại biểu là rất quan trọng, trong nhiều trường hợp còn có thể thay đổi hẳn cục diện của những quyết định không thuận lòng dân hoặc không vì dân. Tại cuộc họp Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước vừa rồi, sự đồng thuận đã được sử dụng để quyết định ngưng họp đi dự... lễ khởi công.
Trong khi đó, những việc các đại biểu sẽ phải tập trung thảo luận tại kỳ họp - theo lời phát biểu khai mạc của ông Nguyễn Tấn Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - là: tiến độ thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm; công tác quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều yếu kém; khiếu kiện đông người còn xảy ra, tai nạn giao thông vẫn còn nhiều... Nhiệm vụ quan trọng của kỳ họp là đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2011 và kế hoạch 5 năm 2011-2015; quyết định một số chủ trương, biện pháp quan trọng liên quan đến việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng của tỉnh...
Phải chăng vì đây là những phương hướng, kế hoạch tương đối dài hạn, những việc chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều nên có chậm bàn thêm một chút cũng "không ảnh hưởng đến hòa bình thế giới".
Dự lễ khởi công sẽ thành một "nghề phụ" mới đầy tiềm năng? Ảnh minh họa
Có lẽ không logic lắm, nhưng chuyện bỏ họp này lại gợi cho chúng ta nhớ đến chuyện kiên quyết họp Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ 17, diễn ra trùng với thời gian bão lũ tàn phá miền Trung vào trung tuần tháng 10 vừa qua. Trong trường hợp này, sự đồng thuận của các đại biểu được sử dụng để quyết định tiếp tục họp, mặc dù có rút ngắn chương trình.
Đại hội khai mạc trọng thể và thành công trong lúc nước lũ nhấn chìm nhiều làng mạc, hàng vạn ngôi nhà, dân bám trên nóc nhà kêu cứu... Bức tranh có phần trái ngược đó khiến không ít người đặt câu hỏi: liệu quyết định tiếp tục họp trong lúc nước sôi lửa bỏng như vậy có thực sự hợp lý và hợp lòng dân? Liệu những người lãnh đạo đã làm hết vai trò của người chèo lái con thuyền trong cơn sóng gió, và ở bên dân lúc nguy nan, cần kíp nhất?
Đặt ra hai tình huống với hai quyết định trái ngược nhau: tạm dừng họp và tiếp tục họp, để chúng ta thấy rằng nhiều khi chuyện bỏ hay không bỏ thật sự rất phức tạp. Có những quyết định bỏ đã mang lại hiệu quả cao. Ví dụ việc giảm bớt họp hành trực tiếp, thay vào đó họp trực tuyến để tiết kiệm chi phí là một sáng kiến được nhiều người hoan nghênh. Hay giảm thời gian song song với tăng cường chất lượng họp cũng là việc chúng ta cần làm để ngày càng chuyên nghiệp hóa các hoạt động của bộ máy lãnh đạo.
Trong một số trường hợp, có thể việc bỏ hay không bỏ chưa can hệ quá lớn đến đại sự quốc gia. Tạm ngưng cuộc họp có lẽ cũng chưa làm 5 năm tới Bình Phước mất phương hướng phát triển. Tiếp tục họp cũng không hẳn khiến tình trạng lũ nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, ở khía cạnh nào đó, việc bỏ họp hay không bỏ họp lại cho thấy người dân đứng ở đâu trong những ưu tiên của người lãnh đạo. Và đó cũng chỉ là một trong vô số lựa chọn mà những người đại biểu cho dân phải đưa ra. Rất nhiều khi những lựa chọn này can hệ đến cuộc sống của hàng chục triệu con người, đến tương lai đất nước. Khi ấy, bỏ hay không bỏ sẽ trở thành chuyện sống còn.
(Theo tuanvietnam.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét