Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2010

Nói "không" với tại chức hay tư duy trọng bằng cấp?

Quyết định của Đà Nẵng là sự phản ánh của cách tư duy quá xem trọng bằng cấp hơn là năng lực thực sự đã tồn tại như một quy luật bất thành văn từ rất lâu, nay được "thực tế hóa" bằng văn bản.
Vấn đề bằng cấp lại nhận được sự quan tâm của dư luận khi Đà Nẵng quyết định nói "không" với hệ tại chức. Ngay tức thì, sự việc trên đã nhận được rất nhiều ý kiến khen chê xung quanh. Tuy nhiên để có thể khẳng định chủ trương này của UBND TP Đà Nẵng là đúng hay sai, có tạo ra sự tác hại nào đối với xã hội hay không thì còn rất nhiều vấn đề cần được làm rõ.
Ai kém hơn ai?
Những yếu kém từ khâu tổ chức đào tạo đến chất lượng đầu vào, chất lượng người học, chất lượng thi cử của hệ tại chức được nhiều người nhắc đến và cũng là một thực trạng có thực đã tồn tại từ rất lâu.
Khi nói đến hệ tại chức, mọi người thường nghĩ ngay đến sự kém chất lượng. Có câu nói "Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức"... nhằm ám chỉ sự thật khó chối cãi này.
Trong mắt nhiều người, sinh viên tại chức đa phần là những người không có năng lực, không có khả năng thi đỗ vào hệ chính quy, hay hệ tại chức chỉ là nơi mà những người đương chức cần có tấm bằng để hợp thức hóa con đường tiến thân của mình,...
Tuy vậy, cách nhìn nhận hệ tại chức hoàn toàn như trên là cách nhìn phiến diện và không công bằng.
Khi nói đến hệ tại chức, mọi người thường nghĩ ngay đến sự kém chất lượng. Ảnh minh họa
Hiện nay, hệ tại chức đâu chỉ là nơi thu hút những người kém năng lực. Rất nhiều người vì những điều kiện nào đó không thể theo học hệ chính quy. Cũng có nhiều người vì cần trau dồi thêm kiến thức để phục vụ nhu cầu hiểu biết, yêu cầu công việc trong khi không đủ thời gian theo học hệ chính quy đành phải chọn cách học tập hợp lý hơn.
Từ lâu chúng ta nghe nói nhiều đến chất lượng của hệ tại chức mà ít người quan tâm đến chất lượng của hệ chính quy đã đảm bảo hay chưa? Khi hiện tượng học giùm, thi hộ, mua bán điểm vẫn thường xuyên xảy ra không chừa bất kỳ một đối tượng nào, thì liệu có ai dám khẳng định rằng chính quy "ngon" hơn tại chức?
Khi chúng ta đang rất đau đầu với tình trạng chạy theo bằng cấp, quá xem trọng bằng cấp đang diễn ra tại Việt Nam, một thực tế mà có thể làm băng hoại đạo đức, làm lệch lạc bộ mặt giáo dục đào tạo quốc gia thì việc làm của Đà Nẵng như "đổ thêm dầu vào lửa", tiếp tay cho thực trạng này có cơ hội phát triển.
Thiết nghĩ khi một quyết định được đưa ra từ cơ quan nhà nước, có ảnh hưởng lớn đến nhiều người, đến xã hội thì rất cần sự công bằng và phải mang tính nhân văn. Lúc đó mới hy vọng dẹp bỏ được những cái mầm mống đã và đang dần biến thành căn bệnh nan y của nền giáo dục nói riêng và cho toàn xã hội nói chung.
Ngoài ra, mỗi trường đại học đều có cách tuyển sinh và đào tạo khác nhau, "đẳng cấp" các trường cũng khác nhau, do đó có nhiều trường đào tạo hệ tại chức vẫn gắng bảo đảm chất lượng. Liệu có ai dám khẳng định rằng sinh viên chính quy của Trường Đại Học Công Nghiệp TP.HCM (tiền thân là Trường Cao Đẳng Công Nghiệp 4) hay các trường đại học dân lập đang được đào tạo tràn lan với mục đích thu tiền học phí là chính thì có "chất lượng" hơn các sinh viên tại chức của các trường như Đại học Bách Khoa, Đại học Khoa học Tự nhiên?
Trong khi đó, cách đào tạo bậc đại học như hiện nay vẫn mang nặng tính lý thuyết, người học không có cơ hội tiếp cận được với công việc thực tế, không có nghiên cứu khoa học, vẫn còn một khoảng cách khá xa giữa yêu cầu công việc và chương trình đào tạo.
Đồng thời chưa có một nghiên cứu nào cho thấy sự tỷ lệ thuận giữa việc học giỏi với làm giỏi. Do đó, để trở thành người làm việc giỏi, mang lại hiệu quả cao không phải do cái bằng tại chức hay chính quy quyết định mà chính là sự nỗ lực không ngừng của bản thân.
Vậy ai kém hơn ai? Đây là một câu hỏi khó trả lời. Do đó không nên tùy tiện áp đặt một cách dễ dãi mà cần xem xét từng trường hợp, từng hoàn cảnh cụ thể mới thực sự công bằng.
... Và hệ quả nhãn tiền
Có lẽ từ rất lâu, tư duy chuộng bằng cấp đã ăn sâu vào tâm trí của mọi người. Từng người, từng cơ quan, nhất là các cơ quan nhà nước vẫn đang xem tấm bằng là yêu cầu bắt buộc khi tuyển dụng, dù cho bất cứ loại bằng gì, có phù hợp với mục đích công việc hay không. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mua bằng, bằng dỏm, bằng giả tràn lan hiện nay.
Rất nhiều người chỉ cần tấm bằng với mục đích để "lòe" thiên hạ hay hợp thức hóa cho con đường tiến thân của mình.
Trở lại quyết định của Đà Nẵng. Có một số ý kiến cho rằng cách làm này là táo bạo, là tân tiến, là xu hướng tất yếu... Tuy nhiên, để tuyển dụng được những người thực sự có năng lực đâu chỉ dựa trên yêu cầu bằng cấp mà yếu tố quan trọng là phong cách, khả năng, kinh nghiệm làm việc... lại bị bỏ qua.
Rõ ràng đây chính là sự phản ánh của cách tư duy quá xem trọng bằng cấp hơn là năng lực thực sự đã tồn tại như một quy luật bất thành văn từ rất lâu, nay được "thực tế hóa" bằng văn bản.
Trong một lần trả lời báo chí. GS Ngô Bảo Châu đã nói rằng "Người Việt xưa nay vẫn có truyền thống hiếu học. Nhưng thường là học để làm quan, chứ hình như không đặt trọng tâm lên cái khát khao hiểu biết của con người". Tức là người học chỉ với mục đích thỏa mãn danh và lợi chứ không vì mục đích học để hiểu biết, để cống hiến.
Khi chúng ta đang rất đau đầu với tình trạng chạy theo bằng cấp, quá xem trọng bằng cấp đang diễn ra tại Việt Nam, một thực tế mà có thể làm băng hoại đạo đức, làm lệch lạc bộ mặt giáo dục đào tạo quốc gia thì việc làm của Đà Nẵng như "đổ thêm dầu vào lửa", tiếp tay cho thực trạng này có cơ hội phát triển.
Thiết nghĩ khi một quyết định được đưa ra từ cơ quan nhà nước, có ảnh hưởng lớn đến nhiều người, đến xã hội thì rất cần sự công bằng và phải mang tính nhân văn. Lúc đó mới hy vọng dẹp bỏ được những cái mầm mống đã và đang dần biến thành căn bệnh nan y của nền giáo dục nói riêng và cho toàn xã hội nói chung.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét